Top 8 Ngôi làng đẹp nhất Việt Nam

Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội)

Nằm cách Hà Nội hơn 50km, làng cổ Đường Lâm thuộc địa phận thị xã Sơn Tây, Hà Nội là một địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút khách thập phương bởi vẻ cổ kính, bình dị, đặc trưng của ngôi làng Việt với cây đa, bến nước, sân đình… Từ cổng làng đi vào làng trên những con đường lát gạch sạch sẽ, đi giữa những bức tường đá ông có màu vàng sậm, bạn sẽ cảm nhận được sự ấm cúng, bình yên của ngôi làng này. Đường Lâm có tổng cộng 956 ngôi nhà cổ, trong đó nổi bật có đình làng Mông Phụ, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, đền thờ Phùng Hưng, đền thờ và lăng Ngô Quyền,… Không bon chen, xô bồ, làng cổ Đường Lâm luôn khoác lên mình vẻ trầm mặc, chân chất, đậm hồn Việt, màu xanh mơn mởn của cánh đồng lúa, cây đa, hình ảnh người nông dân cần mẫn đã tạo nên bức tranh yên bình, đẹp đẽ. Đến với Đường Lâm, du khách không chỉ được khám phá kiến trúc của làng Việt Nam xưa mà còn có cơ hội thưởng thức những món ngon như bánh tẻ, chè lam, gà mía,…

Làng Bình An (Lâm Đồng)

Khác với làng Cù Lần, Bình An gây ấn tượng với du khách khi đến đây bởi vẻ đẹp tinh tế của kiến trúc kiểu Pháp kết hợp hài hòa với những kiến trúc chắt lọc từ văn hóa dân gian địa phương. Ngôi làng nằm ở ven hồ Tuyền Lâm, nơi đây được ví như ốc đảo đầy hoa, được bao phủ bởi thiên nhiên đẹp lãng mạn đến say lòng người. Cảnh quan nơi đây vừa tươi đẹp lại vừa yên bình, từng góc vườn, từng cành hoa, chiếc lá,… đều được chăm chút một cách tỉ mỉ tạo cho bạn một cảm giác ấm cúng, thư thái trong tâm hồn đúng như tên gọi làng ” Bình An”.

Làng chài Mũi Né (Bình Thuận)

Làng chài nằm trên con đường Huỳnh Thúc Kháng, gần bến xe Mũi Né cách khoảng 200m, cách trung tâm thành phố Phan Thiết khoảng 23km về phía Bắc, cách chợ Mũi Né khoảng 1km. Khác với những ngôi làng cổ kính hay những ngôi làng với nhỏ xinh trên, Làng chài Mũi Né mang vẻ đẹp mặn mòi của biển, vẻ hồn hậu của những người dân làng chài. Đến đây vào buổi sáng sớm bạn sẽ cảm nhận được không khí yên bình, mùi hương của biển cả hòa quyện cùng hơi thở của gió, những rặng dừa xanh, tiếng kéo lưới, tiếng cười lạc quan của những con người ở đây. Làng chài Mũi né nổi tiếng là khu chợ bán nhiều hải sản ngon, tươi sống với giá cả phải chăng nên bạn đừng bỏ lỡ cơ hội mua và thưởng thức chúng. Nơi đây thực sự là một bức tranh đa màu sắc, thiên nhiên hòa cùng nhịp sống, hơi thở của con người, là một điểm đến thú vị không thể bỏ qua.

Làng chài Cửa Vạn (Quảng Ninh)

Làng chài Cửa Vạn thuộc xã Hùng Thắng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, cách bến tàu du lịch khoảng 20km. Khác với làng chài Mũi Né, Cửa Vạn lại là những ngôi nhà nổi trên mặt nước được trang trí đầy màu sắc bắt mắt, nằm trong một vùng biển lặng sóng, xung quanh là núi đá vôi hùng vĩ bao bọc. Làng chài Cửa Vạn là nơi ở của hơn 300 gia đình sống bằng nghề chài lưới. Đến với làng chài, du khách không chỉ được đắm mình trong không gian yên tĩnh, thanh bình, được chiêm ngưỡng thiên nhiên thơ mộng mà còn được trực tiếp tham gia chèo thuyền, giăng lưới, thả câu bắt tôm cá cùng người dân trong làng. Đây là một trong những điểm đến mà du khách thường lựa khi đến thăm Vịnh Hạ Long.

Làng Cù Lần (Lâm Đồng)

Đây là một ngôi làng nhỏ nằm ở xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Ngôi làng nằm lọt thỏm dưới chân núi Lang Biang, cách Hồ Xuân Hương và Đồi Cù khoảng 20km, cách trung tâm Thành phố Đà Lạt gần 30km. Đường đi đến làng Cù Lần được xem là một trong những con đường đẹp nhất cả nước, bạn chỉ cần bỏ ra khoảng hơn 30 phút đi xe từ trung tâm thành phố theo con đường hướng về cao nguyên Lang Biang sẽ đến được với ngôi làng. Thử một lần đến với ngôi làng nhỏ xinh này, bạn sẽ được trải nghiệm nhiều điều thú vị, không chỉ là thiên nhiên hoang sơ, những cây cù lần xen lẫn hoa kim châm vàng rực, những ngôi nhà sàn mái tranh, mà còn rất nhiều hoạt động hấp dẫn như leo núi, băng rừng, cắm trại, giao lưu cồng chiêng,… Đây là một điểm đến thích hợp cho những ai thích sống chậm, muốn hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ.

Làng cổ Phước Tích (Thừa Thiên Huế)

Cách thành phố Huế khoảng 40 km về phía bắc, làng cổ Phước Tích nằm ở huyện Phong Điền nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Nếu như làng cổ Đường Lâm mang dáng dấp đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ thì làng cổ Phước Tích lại còn khá nguyên vẹn những yếu tố của làng cổ rất riêng của miền Trung. Đến thăm Phước Tích, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp như một bức tranh cổ của ngôi làng này với những ngôi nhà rường cổ kính có kiến trúc đặc sắc, miếu, đình đậm nét tâm linh, cây thị hàng trăm năm tuổi, những khu vườn, dòng sông Ô Lâu trong xanh, hiền hòa bao quanh, tất cả đã tạo nên vẻ đẹp giao hòa giữa trời đất và con người cho nơi đây. Nếu có dịp ghé đến làng cổ Phước Tích bạn có thể đến thăm đình làng Trung, chùa Phước Bửu, miếu Cây Thị, miếu Đôi, đền Văn Thánh,… tìm hiểu về gốm Phước Tích.

Làng bích họa Tam Thanh (Quảng Nam)

Ngôi làng nằm ở xã Tam Thanh, Thành phố Tam Kì, tỉnh Quảng Nam. Đây là làng bích họa đầu tiên tại Việt Nam, nằm trong Dự án giao lưu Mỹ thuật cộng đồng Hàn – Việt do tỉnh Quảng Nam phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam thực hiện. Bằng bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ, những tình nguyện viên Hàn Quốc đã làm cho những bức tường đơn điệu ở làng chài nghèo này được khoác tấm áo mới, trở nên sống động hơn. Những bức họa phản ánh nét giản dị, cuộc sống sinh hoạt của người dân một cách chân thực với những màu sắc tươi sáng đã trở thành điểm nhấn thu hút du khách tìm đến với ngôi làng này. 

Bản Pơ-mu (Sơn La)

Nằm cách thành phố Sơn La khoảng 80km về phía đông bắc, ở độ cao trung bình trên 1.800m so với mực nước biển, xã Ngọc Chiến, thuộc huyện Mường La thu hút du khách không chỉ bởi núi non hùng vĩ mà còn bởi một bản làng với những ngôi nhà làm bằng gỗ Pơ-mu có lịch sử hơn 100 năm tuổi. Hương gỗ Pơ-mu hòa quyện cùng hương khói bếp lan tỏa, hương của núi rừng khiến du khách vấn vương không rời. Những ngôi nhà Pơ-mu đều tăm tắt, được ngăn cách bởi hàng rào bằng cây cọ độc đáo đã trải qua bao thăng trầm với biết bao thế hệ người ở đây. Cuộc sống của bản Pơ-mu êm ả và dịu dàng giống con người nơi đây vậy. Hẳn là không quá khi người ta thường hay nói bản làng này là “một miền cổ tích giữa đời thường”. 

Be the first to post a comment.

Add a comment