Top 10 Địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng tại Đồng Tháp

Vườn quốc gia Tràm Chim

Vườn quốc gia Tràm Chim thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, là khu đất ngập nước, được xếp trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam. Ở nơi đây có nhiều loài chim quý như: cò trắng, cò lửa, cò bợ, diệc xám, điên điển… đặc biệt nhất là loài sếu đầu đỏ – một loài chim quí hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam. Phong cảnh thiên nhiên hệ thực vật ở vườn quốc gia Tràm Chim rất phong phú với hơn 130 loài thực vật, rừng tràm đặc trưng với diện tích lớn nhất (2968 ha) trong hệ sinh thái vườn quốc gia. Đến với vườn quốc gia Tràm Chim, du khách được thưởng thức những món ăn đặc sản đồng quê trong  bầu không khí chan hòa, thanh nhàn với thiên nhiên.

Khu di tích Gò Tháp

Trong tháng mười (âm lịch) sắp tới đây, nếu có bạn nào muốn đi tham quan một địa điểm nhộn nhịp, thú vị tại Đồng Tháp thì có thể đến với khu di tích Gò Tháp thuộc một phần ấp 1 xã Mỹ Hội và một phần ấp 1 xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Khu di tích Gò Tháp là một di tích quốc gia đặc biệt, độc đáo. Kiến trúc khu di tích được bày trí gồm 5 cụm di tích và 3 nền gạch thuộc dấu tích nền văn hóa của Vương quốc Phù Nam. Năm cụm di tích lần lượt gồm: Đền thờ và mộ của 2 vị anh hùng đất nước thời kỳ kháng chiến chống Pháp là Đốc Binh Nguyễn Tấn Kiều và Thiên Hộ Võ Duy Dương; Gò Tháp Mười: trước đây là nền Tháp được Tổng thống Ngô Đình Diệm xây dựng gồm 10 tầng để các sư thờ cúng phật và làm “viễn vọng đài” do Tổng thống Diệm xây dựng để quan sát vùng Đồng Tháp Mười nhưng sau đó bị Việt Công đánh sập, đến nay chỉ còn là khu di tích; Miếu Hoàng Cô được thành lập năm 2007, theo dân gian truyền tụng thì đây là mộ Công chúa triều Nguyễn; Ngoài ra còn có chùa Tháp Mười Cổ Tự; gò Minh Xứ và miếu Bà Chúa Xứ. Những ngày rằm lớn khu di tích đông đúc, nhộn nhịp, đón hàng ngàn khách đến tham quan, cúng dường, và thưởng thức các loại đồ chay và quà bánh tại khu Gò Tháp.

Vườn quýt hồng Lai Vung

Huyện Lai Vung tỉnh Đồng Tháp nổi tiếng với những vườn quýt hồng căng mộng, say trĩu quả. Nếu du khách muốn tận mắt nhìn ngắm vườn quýt hồng trĩu nặng trái có thể tìm đến 2 địa điểm tham quan là: điểm Phương Nghi của nhà vườn Đặng Văn Khanh ấp Tân Quý, xã Tân Phước và điểm Út Tường của nhà vườn Nguyễn Văn Tường nằm cặp tỉnh lộ 851, ấp Tân Khanh, xã Tân Thành, huyện Lai Vung. Vườn mở cửa từ 8 giờ sáng đến 17 giờ chiều mỗi ngày để khách du lịch thoải mái tham quan, quay phim, chụp hình, được thưởng thức đặc sản Lai Vung như: quýt hồng, quýt đường ngọt lịm, thanh tân, thưởng thức nem Lai Vung trong không gian đờn ca tài tử Nam bộ độc đáo, dân quê. Đến với vườn quýt vào dịp Tết là một sự lựa chọn hoàn hảo nhất vì lúc này vườn quýt vào mùa trái rộ màu sắc tự nhiên vàng ươm, bóng láng, căng mọng…Từ TP HCM đi theo hướng quốc lộ 1A qua cầu Mỹ Thuận tiếp tục đi trên QL 80 sẽ đến địa phận huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

Khu du lịch sinh thái Đồng Sen Tháp Mười

Khu du lịch Đồng Sen Tháp Mười tọa lạc tại xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cách thành phố Cao Lãnh 39 km. Điểm đặc biệt của Đồng Sen Tháp Mười là cánh đồng sen rộng hơn 11ha bạt ngàn, êm dịu, thanh khiết. Tại đây du khách có thể trải nghiệm dịch vụ tự mình bơi xuống giữa đồng sen bao la, được phép hái sen và các phụ kiện bình dân: nón lá, áo bà ba… chụp hình. Trong không khí thanh bình tại khu du lịch sinh thái Đồng Sen Tháp Mười khách du lịch được tận hưởng các món ngon của đồng quê từ sen: cá lóc nướng cuốn lá sen non, gỏi gà ngó sen, xôi sen, chè sen… Cùng với đó là các món ngon như: lẩu mắm, canh chua cá lóc, cá rô kho tộ, thịt chuột đồng nướng…

Khu di tích Xẻo Quýt

Khu di tích Xẻo Quýt thuộc địa phận xã Mỹ Hiệp và Mỹ Long của huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cách thành phố Cao Lãnh hơn 30 km, cách Sài Gòn khoảng 170 km đi qua quốc lộ 1A. Khu di tích Xẻo Quýt có tổng diện tích 50 ha, trong đó có 20 ha rừng tràm. Hệ sinh thái động – thực vật ở đây phong phú và đa dạng với khoảng 170 loài thực vật với 158 loài hoang dại và 12 loài cây thân gỗ, 200 loài động vật hoang dã gồm 7 loài ếch nhái, 22 loài bò sát, 73 loài cá, 91 loài chim và 7 loài thú. Điều đặc biệt ở đây có 13 loài động thực vật quí hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam như: rắn hổ trâu, trăn mốc, rùa hộp, chim sả mỏ rộng… Nơi đây còn là khu căn cứ kháng chiến cách mạng của tỉnh Đồng Tháp với những hầm tránh bom chữ A, hầm chiến đấu chữ Z, hầm bí mật chữ L…. Khu di tích Xẻo Quýt được phục chế trên nền dấu vết xưa, khu rừng thiên nhiên tuyệt đẹp với không gian xanh mát, và được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1992. 

Chùa Kiến An Cung

Kiến An Cung, hay còn gọi là chùa ông Quách, là một ngôi đền tọa lạc tại trung tâm thành phố Sa Đéc, đối diện với con rạch Cái Sơn. Chùa được xây từ năm 1924 đến năm 1927 bởi những người Hoa từ Phúc Kiến, nên mang đậm kiến trúc Trung Quốc. Gồm 3 gian: Đông lang, Tây lang và khu chính diện rộng lớn. Trên những bức tường của chùa là những hình ảnh trong Tây du kí, Tam Quốc Diễn Nghĩa,… Phía cổng vào là hai con Kì Lân bằng đá xanh rất lớn, phía trên là tấm hoành phi sơn son thếp vàng lộng lẫy. Điều đặc biệt của chùa Kiến An Cung là toàn bộ chùa chỉ có đòn tay chứ không có kèo. Giữa chánh điện là gian thờ đức Quảng Trạch Tôn Vương được đúc bằng đồng đỏ với gương mặt phúc hậu, tay cầm đai ngọc, bên cạnh là hai vị thần khác, bên phải thờ đức Thanh Thủy Tổ Sư, bên trái là Bảo Sanh Đại Đế. Chùa Kiến An Cung được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia ngày 27/4/1990.

Làng hoa kiểng thành phố hoa Sa Đéc

Làng hoa Sa Đéc nằm trong địa phận xã Tân Qui Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, quanh năm lộng gió, màu mỡ phù sa, ngập tràn ánh nắng, là xứ sở của hàng trăm loài “kỳ hoa dị thảo”. Đây là một trong những trung tâm hoa kiểng của miền Nam, rộng 60ha với 600 hộ và 3600 lao động chuyên trồng hoa và cây cảnh. Những ngày xuân trăm hoa của làng hoa Sa Đéc chen nhau đua nở. Ở đây bán đủ các loài hoa đủ sắc, đủ hương: hồng, lan, huệ… và các loài cây cảnh hình dáng đẹp: khế, tùng, sung, si, mai… Trong không khí ngàn hoa khoe sắc sẽ là phông nền tuyệt đẹp cho những bức ảnh hoàn hảo.

Khu di tích lăng cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Khu di tích lăng cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tọa lạc số 123/1, đường Phạm Hữu Lầu, thuộc phường 4, thành phố Cao Lãnh (trước đây là làng Hòa An), tỉnh Đồng Tháp. Khu di tích là nơi an nghỉ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862 – 1929), là thân sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là một nhà nho yêu nước, một người thầy thuốc yêu thương nhân dân, suốt cuộc đời sống cuộc đời thanh bạch, nhân nghĩa lo cho nước cho dân. Di tích lăng cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được xếp hạng cấp quốc gia ngày 9/4/1992. Kiến trúc khu di tích quan trọng nhất là phần mộ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Trên phần mộ có trang trí 9 con rồng cách tân đậm nét dân gian vươn ra trước thành 9 đầu hồi, tượng trưng cho hình ảnh nhân dân đồng bằng sông Cửu Long chở che, ôm ấp phần mộ. Kiến trúc lăng cụ còn có các công trình khác như: đền thờ, tượng thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc, nhà trưng bày giới thiệu về cuộc đời của cụ Nguyễn Sinh Sắc, nhà sàn Bác Hồ… Đến du lịch tại Đồng Tháp thì nhất định phải đến tham quan khu di tích lăng cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, và thắp cho thân sinh Bác Hồ kính yêu nén hương lòng thành kính.

Khu du lịch sinh thái Gáo Giòng

Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng nằm tại ấp 6, xã Gáo Giòng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cách trung tâm thành phố Cao Lãnh khoảng 15km. Khu du lịch sinh thái được thành lập trên cơ sở rừng tràm Gáo Giồng (thành lập năm 1985). Tính đến nay khu du lịch sinh thái Gáo Giồng đã đón tiếp hơn 300 000 lượng khách đến tham quan du lịch bởi những tặng phẩm từ thiên nhiên và thành quả khai hoang, tôn tạo từ bàn tay và khối óc của con người. Khi đến với khu du lịch sinh thái, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng màu xanh bạt ngàn của tràm, lúa, năng… những loài động vật đặc trưng vùng sông nước: cò, diệc, còng cộc… đặc biệt nhất là chim nhạn điểu – một loài chim quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Đến với khu du lịch sinh thái Gáo Giòng, khách tham quan sẽ có cơ hội thưởng thức những món ăn đặc sản Đồng Tháp: cá lóc nướng trui cặp lá sen non chấm nước mắm me, cá rô kho tộ, cá linh nấu chua cơm mẻ với bông súng, bông điên điển… cùng với rượu nếp pha mật ong, trong bầu không khí trong lành, thanh nhàn.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nằm tại vị trí số 255A, đường Nguyễn Huệ, phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Ban đầu ngôi nhà được xây dựng theo kiểu nhà ba gian truyền thống của miền Tây Nam bộ, rộng 258m2, với nguyên vật liệu chính là gỗ quý và mái hình thuyền lợp ngói âm dương. Về sau ngôi nhà được trùng tu lại bằng gạch đặc bao lấy khung gỗ bên trong. Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê thu hút khách du lịch bởi một tình buồn không biên giới của nữ nhà văn Marguerite và người tình đầu tiên của bà là ông Huỳnh Thủy Lê (chủ nhân ngôi nhà cổ). Đến với nhà cổ Huỳnh Thủy Lê để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của kiến trúc xưa cổ còn được lưu giữ bảo tồn cho đến ngày nay. Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê đã được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 2009.

Be the first to post a comment.

Add a comment