Top 10 Địa điểm du lịch nổi tiếng nhất ở DakLak

Thác Bảy Nhánh

Từ thành phố Buôn Ma Thuột dọc theo tỉnh lộ 1 về hướng tây bắc 35km, du khách đến buôn N’Drêch, xã Ea Hua, huyện Buôn Đôn, từ đây rẽ trái đi tiếp khoảng 1km nữa là đến thác Bảy Nhánh, một điểm du lịch sinh thái tuyệt vời của Đắk Lắk. Dòng Sêrêpôk chảy qua đây chia làm bảy dòng sông nhỏ chảy qua các tảng đá lớn tạo thành 6 hòn đảo nhỏ giữa các nhánh sông. Đứng trên cao quan sát, thác giống như bàn tay xòe ra giữa ghềnh thác trắng xóa. 

Vườn quốc gia Yok Đôn

Thuộc huyện Buôn Đôn và huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột 40km về phía tây bắc. Là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Việt Nam sở hữu khoảng 67 loài thú, 196 loài chim, 46 loài bò sát, 15 loài lưỡng cư và khoảng 100 loài côn trùng sinh sống, trong đó có 38 loài, 17 loài có tên trong sách đỏ thế giới như voi, trâu rừng, bò sừng xoắn, hươu sao, sơn dương, gà lôi, công, sáo, phượng hoàng…Những cánh rừng đại ngàn mang tính đặc trưng của rừng nhiệt đới Đông Nam Á, hệ thực vật ở đây rất phong phú và đa dạng với 464 loài bao gồm nhiều loài hoa quý hiếm. Du khách đến với Vườn quốc gia Yok Don sẽ cảm nhận được một bầu không khí trong lành, cuộc sống hoang sơ, bình dị mang sắc thái của Tây Nguyên, hòa mình vào cuộc sống hoang sơ nơi núi rừng hùng vĩ, thưởng thức hương thơm của các loài lan rừng, quây quần bên ché rượu cần nghe các già làng kể về những truyền thuyết của vùng đất này.

Khu du lịch Thác Krông K’mar

Cách trung tâm huyện Krông Bông ngược về phía dãy Chư Yang Sin khoảng 3 cây số. Là một trong những thác rất đẹp của Đăk Lăk, thác Krông Kmar bắt nguồn từ đỉnh cao nhất của dãy Chư Yang Sin đổ xuống chân núi. Những ai thích khám phá phong cảnh núi rừng có thể đi bộ theo dòng thác ngược về hướng thượng nguồn và sẽ lên đến nơi bắt đầu của dòng Krông Kmar. Bạn sẽ rất ngỡ ngàng khi không ngờ rằng ở trên non cao của dãy Chư Yang Sin lại có một hồ nước rộng xanh trong và sâu hàng chục mét nằm giữa một rừng thông quanh năm vi vu khúc nhạc hòa cùng tiếng hót du dương thánh thót của nhiều loại chim rừng. Khác với phía dưới luôn ào ào thác đổ, ơ đây rất yên vắng, gần gũi với những ai muốn đi tìm cho mình một khung cảnh tĩnh mịch và thi vị giữa thiên nhiên hoang dã.

Hồ Lắk

Hồ Lắk nằm bên thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, cạnh tuyến đường giao thông giữa Buôn Ma Thuột và Đà Lạt, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 56 km về phía Nam theo quốc lộ 27. Ngoài cảnh đẹp tự nhiên, không khí trong lành cùng những cuộc phiêu lưu hồ nước trên bành voi và thuyền gỗ với những chuyến dã ngoại khám phá nét văn hoá, đặc sắc của dân làng Mơ Nông, mặt hồ luôn xanh thắm, xung quanh hồ được bao bọc bởi những dãy núi cao nên mặt nước hồ luôn phẳng lặng và có các cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hệ động thực vật phong phú trở thành một điểm du lịch không thể thiếu khi đến DakLak.

Cụm thác Dray Nur, Dray Sap.

Hệ thống 3 thác: Gia Long – Dray Nur – Dray Sap thuộc sông Serepôk, xã Nam Hà, huyện Krông K’Nô, tỉnh Đắk Nông. Thác Dray Nur nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột 25 km đi theo quốc lộ 14, qua thủy điện Buôn Kôp gần 3 km, đây là một ngọn thác hùng vĩ mà thiên nhiên đã ban tặng cho Đắk Lắk. 2 ngọn thác Với giải thích Draynur – nghĩa là thác Cái, thác Vợ – thác gắn liền với mối tình “Romeo và Juliet” của núi rừng. Chuyện kể rằng, ngày xưa có một đôi trai gái của hai bản khác nhau yêu nhau tha thiết nhưng do hai bản có xung đột với nhau nên tìm đủ mọi cách ngăn cấm. Không nhận được sự cảm thông của dân làng, không thể hòa giải xung đột giữa hai bản, vào một đêm trăng, cả hai đã nhảy xuống sông để trọn đời bên nhau. Tức giận vì sự ích kỷ của dân làng dẫn đến quyết định sai lầm của đôi trẻ, trời nổi cơn giông bão, nước cuồn cuộn dâng cao, chia sông thành hai nhánh, ngăn cách đường đi của hai dòng tộc.Truyền thuyết khác lại bắt nguồn từ hang động phía sau thác, nơi được cho là nơi ở của Vua Thủy tề. Ngày xưa vua Thủy Tề có một đứa con trai tên là Nur, chàng hoàng tử rất khôi ngô tuấn tú và rất thích chu du ngắm cảnh. Một ngày nọ, chàng gặp hai nàng công chúa, con của vị vua vùng đất mình ngang qua. Hai nàng rất xinh đẹp nhưng do vua cha mất sớm nên cuộc sống trở nên nghèo khó, phải đào củ mài mà ăn.

Thương hai nàng vất vả, chàng theo nàng về nhà, làm phép để gạo trong nhà đầy tràn, và sống hạnh phúc cùng hai nàng. Một thời gian sau, chàng nhớ vua cha, muốn về thủy cung thăm người. Nhưng công chúa, vợ chàng lo sợ nếu chồng đi thì sẽ rất lâu, thậm chí không trở về nên tìm đủ mọi cách giữ chàng, một bước không rời. Không còn cách nào khác, chàng đành hóa thân thành con dũi vàng, vượt màn nước vào động thăm cha. Người vợ cứ đứng đợi bên ngoài, đợi mãi, đợi mãi vẫn không thấy Nur trở lại. Từ đó, người dân nơi đây gọi ngọn thác này là Draynur, nghĩa là thác con dũi vàng. Hai truyền thuyết khác nhau nhưng những dòng nước lao từ những vách đá thẳng đứng, vỡ ra từng giọt, tung tóe vào nhau, xô đẩy nhau của thác lại giống nhau ở một điểm, đó là tựa như những giọt nước mắt khóc kẻ ở người đi.

Đến đây du khách sẽ được ngắm sự kiêu hùng của dòng nước đổ xuống, tiếng ầm ầm vang dậy cả núi rừng. Do vậy đây trở thành điểm tham quan du lịch Đăk Lăk nổi tiếng, lý tưởng cho du khách. 

Tháp Chàm Yang Prong

Tháp Chàm Yang Prong (Thần vĩ đại) hay còn gọi là Tháp chàm Rừng xanh là một ngôi tháp Chàm ở xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk, cách thị trấn Ea Súp khoảng 15 km, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 100 km. Ngọn tháp này quá đặc biệt bởi nó là tháp Chăm duy nhất không được xây dựng trên đỉnh đồi cao hay những vách núi dựng đứng ngập tràn nắng gió, mà lại đơn độc ẩn mình dưới bóng rừng già Ea Súp bên cạnh dòng sông Ea H’Leo hiền hòa thơ mộng. Trong không gian ấy, tháp Yang Prông như một báu vật của núi rừng, nơi thần linh ngự trị.

Vườn quốc gia Chư Yang Sin

Nằm trên ranh giới giữa hai huyện Lăk và Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột 60km về phía đông nam. Với khí hậu nhiệt đới núi cao và địa hình chia cắt mạnh, điều này đã tạo cho Vườn quốc gia Chư Yang Sin có một phong cảnh vô cùng ngoạn mục với hơn 40 dãy núi cao, thấp khác nhau, có nhiều sườn dốc, những thảm rừng mênh mông và nhiều suối, ghềnh, thác đan xen, trùng điệp. Chư Yang Sin đặc biệt hấp dẫn những du khách ưa thích mạo hiểm và những nhà nghiên cứu khoa học bởi những điều kỳ thú và sự phong phú của tài nguyên thiên nhiên. 

Thác Gia Long

Thác Gia Long hay còn gọi là Đray Sáp Thượng một thác nước trên sông Serepôk thuộc địa phận xã Dray Sáp huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk và xã Đăk Sôr của huyện Krông K’Nô, tỉnh Đắc Nông, ghi dấu ấn của sự tàn độc và bóc lột của thực dân Pháp qua cây cầu bắc ngang qua sông Ea Krông. Năm 1930 -1933, thực dân Pháp đã huy động dân phu và tù nhân ở đây lao dịch hết sức cực nhọc gian khổ, dưới sự tra tấn dã man để xây dựng cầu treo này. Nhìn ngắm dòng nước trắng xóa từ trên cao chảy xuống cùng những âm thanh vang vọng núi rừng. Hãy đến và lắng nghe, cảm nhận không khí trong lành, mát mẻ tại những ngọn thác, cảm nhận sự kỳ diệu của sức người khi có thể hoàn thành xong cầu treo này. 

Buôn Đôn – Làng Đảo hoang sơ.

Buôn Đôn thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, cách Tp. Buôn Ma Thuột 42km về phía tây bắc, nổi tiếng không chỉ với cảnh quan của núi rừng cao nguyên hùng vĩ, hay các phong tục mang đậm dấu ấn của vùng đất Tây Nguyên mà còn bởi truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Đến đây, bạn được thưởng thức những cảnh đẹp tuyệt vời của Làng Đảo với việc thử cảm giác mạnh khi đi cầu treo lắc lư nghiêng ngả dài hơn 100 mét, ngắm thác bảy nhánh, hay cưỡi voi vượt sông Sêrêpok và thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng Tây Nguyên trù phú, giao lưu văn hóa cồng chiêng và thử một lần được uống rượu cần – loại rượu không thể thiếu của các dân tộc đồng bào DakLak, đặc biệt là được ngắm ngôi nhà dài hàng trăm mét tồn tại trên 120 năm qua vẫn còn giữ nguyên nét văn hóa của đồng bào Tây Nguyên. 

Thác Thủy Tiên

Thác Thủy Tiên nằm về hướng đông bắc, tọa lạc tại cánh rừng rậm cách trung tâm xã Tam Giang (huyện Krông Năng, Đắk Lắk) khoảng 7km. Giữa đại ngàn hùng vĩ, thác Thủy Tiên như một tiên nữ ẩn mình. Ngắm vẻ đẹp của thác, nghe tiếng nước gầm reo, tiếng chim hót lảnh lót, tiếng rừng xanh thì thầm qua kẽ lá. Thác còn được gọi là thác Ba Tầng. Tầng thứ nhất hẹp, có độ dốc nhỏ với những bậc lên xuống dễ dàng. Tầng thứ hai trải rộng với nhiều bậc đá, và có những mặt hồ nước cạn có thể tắm được. Tầng thứ ba nước từ trên cao đổ xuống một mặt hồ rộng và sâu, tung bọt trắng xóa rồi trở về lại với dòng chảy hiền hòa, uốn lượn giữa đại ngàn xanh thẳm.

Be the first to post a comment.

Add a comment