Top 10 Công trình kiến trúc nổi tiếng nhất Malaysia

Nhà thờ Hồi giáo Iron

 Nhà thờ Hồi giáo Iron còn có tên là Tuanku Mizan Zainal Abidin thuộc Putrajaya, phía Nam Kuala Lumpur, Malaysia. Nhà thờ này chính thức được mở cửa vào tháng 6 năm 2010. Điều đặc biệt của công trình này chính là 70% công trình được làm từ thép nên nhà thờ mới có tên là Iron. Bên cạnh đó, các cửa sổ của công trình cũng được làm bằng mạng lưới thép có tác dụng điều hòa không khí tự nhiên.
Bạn sẽ cảm thấy thích thú khi ghé thăm điểm đến hấp dẫn này.

Cầu treo Langkawi Sky

Cầu treo Langkawi Sky – chiếc cầu treo giữa trời với chiều dài 125 m dành cho du khách đi bộ thưởng ngoạn cảnh đẹp của núi rừng. Công trình này được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2004 trên đỉnh núi Mat Chinchang, đảo Langkawi, bang Kedah, Malaysia. Đây là công trình được xây dựng hết sức khó khăn và tốn nhiều công sức, tất cả nguyên vật liệu đều được chở bằng máy bay trực thăng lên đỉnh núi và phải mất nhiều năm mới lắp ráp hoàn chỉnh hệ thống.
Nơi đây là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn đi bộ và đứng trên cầu để chiêm ngưỡng cảnh đẹp núi rừng hùng vĩ. Cầu treo Langkawi Sky được xây dựng lơ lửng giữa trời cách mặt đất 100 m, bề ngang 1,8 m cùng hai bệ hình tam giác trên cầu là điểm dừng chân để du khách ngắm cảnh. Nơi đây được bình chọn là một trong những chiếc cầu treo kỳ dị nhất thế giới.

Sân vận động Merdeka

Sân vận động Merdeka được xây dựng vào năm 1957, đây là sân vận động ngoài trời, nơi thủ tướng đầu tiên của Malaysia – Tunku Abdul Rahman tuyên bố độc lập. Nơi đây còn diễn ra nhiều sự kiện lớn khác trong lịch sử, bao gồm trận đấu quyền anh giữa Muhammad Ali và Joe Bugner và buổi hòa nhạc của Michael Jackson.
Ngoài ra, đây cũng là nơi cung cấp tầm nhìn toàn cảnh thành phố từ các khán đài và tại đây cũng có một vài bức tranh tuyệt đẹp ở lối vào sảnh. Điểm đến này hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời.

Đền Batu Caves

Batu Caves là một trong những ngôi đền Hindu nổi tiếng nhất nằm ngoài đất nước Ấn Độ. Du khách từ khắp nơi đến đây muốn tham quan và tìm hiểu về những hang động cổ cũng như lăng mộ Hindu đẹp mắt cần phải leo bộ 272 bậc thang mới có thể tới được động lớn nhất trong số ba động chính của công trình. Đặc biệt, hệ thống hang động đá vôi bao quanh đền Batu Caves ước tính đã 400 triệu năm tuổi.
Với những ai muốn chiêm ngưỡng và khám phá những công trình tôn giáo của Malaysia thì không nên bỏ qua điểm đến hấp dẫn này.

Tòa nhà Tư pháp Place of Justice

Palace of Justice hay còn gọi là Tòa nhà Tư pháp hoặc Dinh thự Tư pháp từ lâu đã là một trong những điểm tham quan rất nổi tiếng của Malaysia. Đây là một trong những công trình kiến trúc nổi bật nhất của Putrajaya nói riêng và của đất nước Malaysia nói chung.
Tòa nhà Tư pháp được di dời từ Kuala Lumpur về Putrajaya từ năm 2000 và đặt tại đường Presint với mặt tiền rộng lớn, nổi bật với khối 5 hình cầu theo kiến trúc Hồi giáo cổ. Công trình này có kiến trúc nguy nga, tráng lệ, được tô điểm bằng gam màu trắng xám uy nghi, phù hợp với chức năng thi hành và bảo vệ nền công lý cho người dân trong nước.
Công trình này chính là đứa con tinh thần của kiến trúc sư nổi tiếng người Malaysia – AR Ahmad Rozi A Wahab. Ông là người chịu trách nhiệm chính trong việc thiết kế và bố trí toàn bộ tòa nhà, thổi hồn vào công trình kiến trúc độc đáo và rộng lớn này. Công trình được thiết kế kết hợp nhiều lối kiến trúc, trong đó có nền văn hoá Hồi giáo cổ điển Taj Mahal tại Ấn Độ, văn hoá Moorish và văn hoá cổ điển phương Tây. Du khách đến đây sẽ cảm thấy bị choáng ngợp bởi sự nguy nga, tráng lệ của công trình này.

Tháp đôi Petronas

Tháp đôi Petronas – biểu tượng và cũng là niềm kiêu hãnh của Malaysia. Nhắc đến Malaysia, chắc hẳn bạn sẽ không thể bỏ qua được công trình kiến trúc nổi tiếng này. Đây là tòa tháp đôi cao nhất thế giới tính đến năm 2004 với chiều cao 452 m, gồm 88 tầng do tập đoàn dầu khí hùng mạnh nhất Malaysia hoàn thành vào năm 1998.
Lấy cảm hứng từ kiến trúc nhà thờ Hồi giáo cộng với nét hiện đại đã khiến cho Petronas mang một phong cách độc nhất vô nhị trên thế giới. Điểm ấn tượng của tòa tháp đôi này chính là chiếc cầu trên không nối giữa hai tòa tháp có chiều cao 170 m và chiều dài 158 m, nằm ở tầng thứ 41 và 42 – nơi lý tưởng để du khách có thể ngắm toàn cảnh thành phố Kuala Lumpur, giúp cho các nhân viên của các công ty có văn phòng đại diện tại đây dễ dàng di chuyển qua lại giữa hai tòa nhà mà không cần phải xuống mặt đất và đặc biệt có chức năng như một con đường thoát hiểm.

Nhà thờ Hồi giáo Putra

Thánh đường Hồi giáo Putra tọa lạc tại thành phố Putrajaya – thủ đô hành chính mới của Malaysia cách Kuala Lumpur 25 km về phía Nam. Công trình này còn được biết đến với cái tên Thánh đường Màu Hồng – Thánh đường Hồi giáo duy nhất trên thế giới do một nữ kiến trúc sư thiết kế.
Ba phần tư của công trình nằm trên hồ nhân tạo Putra – hồ nước thơ mộng rộng khoảng 650 ha, được xây dựng với mục đích điều hòa không khí trong thành phố. Đây là công trình chịu ảnh hưởng bởi kiến trúc của những đền thờ Hồi giáo Trung Đông, tuy nhiên được phối hợp giữa nét truyền thống của Hồi giáo và những yếu tố văn hóa của Mã Lai. Nơi đây có sức chứa đến 15.000 người cùng một lúc. Tháp của nhà thờ cao tới 115 m và có 5 tầng đại diện cho 5 trụ cột của Hồi giáo.

Đền Kek Lok Si

Kek Lok Si là ngôi đền nằm trên một hòn đảo ở phía Nam George Town, bang Penang, Malaysia. Ngôi đền Phật giáo này được xây dựng vào cuối những năm 1800, với sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc của Trung Quốc, Thái Lan và Myanmar. Đây là ngôi đền Phật giáo lớn nhất Đông Nam Á được trang trí hết sức công phu, lôi cuốn du khách từ kháp nơi trên thế giới đến đây chiêm ngưỡng.
Ngôi đền uy nghi, tráng lệ này còn được biết đến với tên gọi khác là Chùa Cực Lạc – điểm đến tâm linh của rất nhiều người theo đạo ở Malaysia cũng như ở khắp mọi nơi trên thế giới. Đặc biệt, điểm ấn tượng du khách khi mới đặt chân đến đây chính là mùi thơm nồng của mì Iaska – món ăn có mặt tại các quầy bán hàng ở lối vào chùa, đây cũng là dịp để du khách thưởng thức những món ăn truyền thống của người Malaysia.

Nhà thờ Hồi giáo Jamek

Nhà thờ Hồi giáo Jamek nằm tại trung tâm thành phố Kuala Lumpur – nơi hai con sông Kelang và Gombak hợp lưu. Mở cửa vào năm 1909, Jamek chính thức trở thành nhà thờ Hồi giáo cổ nhất ở Kuala Lumpur. Thiết kế của công trình được lấy cảm hứng từ kiến trúc Mughal của Bắc Ấn Độ. Đây là nỏi thờ cúng chính của thành phố cho đến khi Thánh đường Hồi giáo Quốc gia mở cửa năm 1965.
Với vị trí ven sông và cây cọ xung quanh, nhà thờ hiện lên như một ốc đảo thanh bình và yên tĩnh trong khu vực trung tâm thành phố đông đúc. Người dân ở đây còn gọi nhà thờ Hồi giáo Jamek là nhà thờ thứ 6 bởi cứ mỗi thứ 6 hàng tuần, nơi đây lại có rất đông người đến làm lễ.

Tòa nhà Kompleks Dayabumi

Kompleks Dayabumi được coi là bước ngoặt lớn trong kiến trúc của Kuala Lumpur. Ngoài ra, đây cũng chính là một trong những tòa nhà chọc trời đầu tiên ở Kuala Lumpur. Nơi đây thực sự là điểm đến tuyệt vời, bạn không nên bỏ lỡ trong hành trình khám phá Malaysia.
Kompleks Dayabumi là tòa nhà được được thiết kế bởi Nik Mohammed và được xây dựng vào năm 1984. Đây là toà tháp cao 35 tầng bằng đá cẩm thạch được chạm khắc tinh tế, mặt tiền được trang trí với họa tiết ngôi sao tám cánh và những mái vòm Hồi giáo đặc sắc ở phía trên và dưới tháp, biểu tượng tuần hoàn trong nghệ thuật Hồi giáo. Để đến được đây, du khách phải đi qua cầu đi bộ phía sau chợ trung tâm.

Be the first to post a comment.

Add a comment